Phòng Khám IELTS

Giải đáp hết mọi thắc mắc "Tại sao"
trong quá trình học IELTS.

Có nên phúc khảo IELTS?

05 tháng 07, 2022

Bạn Hạnh hỏi: Bác sĩ ơi, em vừa có điểm thi IELTS, nhưng điểm không như em kỳ vọng. Em học không quá giỏi tiếng Anh, nhưng chắc chắn cũng không quá tệ như thế này. Bây giờ em không biết có nên phúc khảo không, vì với điểm số quá thấp em không thể nộp xét tuyển vào trường Đại học được ạ. Mong bác sĩ cho em lời khuyên.

Bác sĩ trả lời: 

Chào Hạnh. Bác sĩ rất tiếc khi em chưa đạt được mục tiêu IELTS như mong muốn. Có lẽ giờ đây em rất hoang mang, chưa biết phải làm gì với kết quả như vậy. Nộp đơn xin phúc khảo là lựa chọn dành cho các bạn gặp phải vấn đề như Hạnh. Tuy nhiên vì phí phúc khảo IELTS không hề thấp, nên em hãy cùng bác sĩ phân tích xem mình có nên lựa chọn phương án này không nhé!

Phúc khảo IELTS là gì?

Phúc khảo IELTS là việc thí sinh yêu cầu bài thi của mình được đánh giá và chấm lại với một mức phí nhất định. Việc cho phép thí sinh thực hiện các yêu cầu phúc khảo giúp một phần thể hiện tính công bằng và minh bạch của kỳ thi. Đồng thời, trong một số trường hợp việc có nhiều giám khảo cùng xem xét và chấm điểm một bài giúp thí sinh có cảm giác an tâm về quy trình đánh giá kết quả và điểm số nhận được. 

Sau khi yêu cầu phúc khảo, phần trả lời thí sinh sẽ được gửi đến hội đồng chấm thi tại Úc hoặc Anh để đánh giá lại (tuỳ thuộc vào vị trí của hội đồng thi đã đăng ký trước đó). Một giám khảo khác sẽ thực hiện việc đánh giá lại kết quả và họ sẽ không được thông báo về số điểm mà thí sinh đã nhận trước đó. Sau khi phúc khảo, nếu điểm số có sự thay đổi bất kỳ, phí phúc khảo sẽ được hoàn lại toàn bộ.

Tâm lý muốn phúc khảo là do đâu? 

1. Kỳ vọng quá nhiều 

Có lẽ chúng ta khi đi thi ít nhiều đều có sự kỳ vọng nhất định với kết quả của mình. Nếu nhận được số điểm mong đợi, em sẽ cảm thấy vui vẻ, nhẹ nhõm. Ngược lại, khi nhận được kết quả thấp hơn mong đợi, em sẽ dễ cảm thấy chán nản và bắt đầu cảm thấy thất vọng về bản thân. Do đó, không ít thí sinh như em đã nộp đơn xin phúc khảo để xóa tan mọi nghi ngờ về năng lực của mình. 

2. Tin rằng mình có thể làm tốt hơn

Không ai khác ngoài chính em hiểu và đánh giá được chính xác nhất năng lực của mình. Điểm số, thật ra cũng chỉ đánh giá được năng lực của em tại thời điểm thi, chứ không có nghĩa nó phản ánh đúng thực lực của em trên chặng đường học tiếng Anh. Nếu em biết được bản thân có thể làm hơn thế, phúc khảo là một cách nâng band điểm tiết kiệm nhiều thời gian và công sức cho em. 

3. Áp lực từ các thí sinh khác 

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp một người bạn, một người đồng nghiệp thi chung đợt với mình, dù năng lực không quá xuất sắc nhưng lại có điểm thi tốt hơn mình và có thể nhanh chóng nộp xét tuyển Đại học, thăng tiến trong công việc, thực hiện ước mơ du học hay định cư nước ngoài,… Do đó, nhiều bạn bắt đầu có một sự so sánh nhất định với số điểm của bản thân cũng như với năng lực tiếng Anh nói chung. Nhiều bạn đưa ra quyết định phúc khảo IELTS nhằm đạt được số điểm cao hơn để tránh mất mặt với bạn bè xung quanh. 

4. Mong muốn tìm kiếm sự minh bạch trong quá trình khảo thí

Việc chỉ có một giám khảo chấm thi có thể tạo cảm giác bất an và hoài nghi với tính khách quan của trung tâm khảo thí, và có thể khiến thí sinh tự hỏi rằng liệu nếu như bài thi của mình được một giám khảo khác chấm thì điểm số có gì khác biệt hay không. Tâm lý này cũng là điều dễ hiểu khi các bạn quyết định nộp đơn xin phúc khảo. 

Vậy khi nào nên phúc khảo IELTS?

Thay vì đưa ra khẳng định rằng em có nên phúc khảo hay không, bác sĩ khuyên em nên tự hỏi bản thân những câu hỏi sau để có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhé! 

1. Em đã thực hiện đúng yêu cầu của bài thi chưa?

Hình thức thi IELTS có thể khác với một số bài thi em thường làm ở trường phổ thông. Do đó em sẽ không tránh khỏi việc mắc những lỗi liên quan đến hình thức làm bài. 

Trong phần thi Nghe và Đọc, thí sinh được yêu cầu điền đáp án vào một phiếu trả lời độc lập. Việc điền đáp án không đúng ô khiến thứ tự các câu trả lời bị xáo trộn là hoàn toàn có thể xảy ra mà nhiều khi em chưa để ý. Phần thi Viết có quy định rõ ràng về số từ tối thiểu mà mỗi thí sinh phải viết, cụ thể là 150 từ cho Task 1 và 250 từ cho Task 2, do đó chắc chắn em sẽ bị mất điểm nếu không đạt được số từ tối thiểu theo yêu cầu của đề bài. 

2. Em đã nắm rõ tiêu chí đánh giá và chấm điểm của kỳ thi chưa? 

Đáp án của phần thi Đọc và Nghe đã được ghi chú trên phiếu trả lời độc lập và giám khảo chỉ dựa vào phiếu trả lời để đánh giá kết quả. Vậy nên điểm số ở hai bài thi này thường ít khi xảy ra sai sót. Em nên cân nhắc kỹ nếu muốn thực hiện phúc khảo hai kỹ năng IELTS này.

Với hai kỹ năng còn lại là Viết và Nói, phần chấm điểm này sẽ có phần chủ quan hơn do giám khảo chấm khác nhau, dẫn tới sự chênh lệch điểm số có thể xảy ra. Dù vậy, các giám khảo bắt buộc phải dựa vào 4 tiêu chí của thang điểm để đưa ra số điểm cuối cùng. Rất nhiều thí sinh áp dụng những điều mình “tưởng” là phù hợp khi làm bài (ví dụ: chỉ cần sử dụng các từ vựng “cao siêu”, phức tạp là được điểm Speaking cao, chỉ cần viết dài là sẽ đạt điểm tốt,…) nhưng thực chất lại không đảm bảo được đầy đủ các tiêu chí chấm thi. Do đó, em cần xem xét và đánh giá khách quan hơn về tính phù hợp trong phần thi mình.

3. Điểm thành phần có chênh lệch đáng kể không? 

Thông thường, tuy điểm số có thể không giống nhau hoàn toàn đối với các kỹ năng, nhưng nhìn chung chúng sẽ không chênh lệch quá lớn (ví dụ : Reading – 9.0; Writing – 5.0). Trong trường hợp có sự khác biệt rõ rệt như vậy thì bài thi của em sẽ được giám khảo xem xét lại để tránh những sai phạm cũng như gian lận trong thi cử. Nếu như em tự làm bài thi bằng chính năng lực của mình thì khả năng cao là điểm của em sẽ có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. 

Từ những câu hỏi “tự vấn” trên, bác sĩ mong rằng Hạnh đã có câu trả lời cho chính mình về việc Có nên phúc khảo IELTS hay không. Hy vọng em sẽ đưa ra quyết định đúng đắn cũng như gặp nhiều may mắn để có thể đạt được điểm số IELTS mong muốn nhé!