Phòng Khám IELTS

Giải đáp hết mọi thắc mắc "Tại sao"
trong quá trình học IELTS.

Tại sao IELTS Writing Task 2 không thể nâng band?

10 tháng 03, 2023

Bạn An hỏi: Bác sĩ ơi, em đang gặp khó khăn với Writing task 2, bởi em thường bị điểm thấp ở phần thi này. Bác sĩ có thể cho em biết vì sao em lại chưa thể tiến bộ được, mặc dù em đã tự luyện tập rất nhiều?

Bác sĩ trả lời: 

Chào An, cảm ơn em đã gửi câu hỏi về cho bác sĩ. 

Writing thực sự là một kỹ năng khó, thậm chí với cả những “cao thủ” trong giới IELTS, bởi lẽ nó không chỉ yêu cầu cao về tiêu chí về từ vựng, cấu trúc ngữ pháp, mà còn là cách sắp xếp logic các ý tưởng, diễn đạt một cách ngắn gọn, súc tích, đầy đủ về quan điểm của bản thân đối với một chủ đề xã hội, trong thời gian dưới 60 phút. Tuy nhiên, hãy note lại một số lưu ý quan trọng sau đây để tiến bộ hơn trong kỹ năng viết, cũng như không bị mất điểm oan uổng trong phòng thi nhé!

1. Hãy chắc chắn mình đã đáp ứng tiêu chí Task response (Viết đúng yêu cầu đề bài) 

Sai lầm lan man, lạc đề kinh điển đã khiến vô số thí sinh mất trắng điểm ngay từ bước đầu tiên. Bắt tay vào viết bài luôn mà không đọc cẩn thận câu hỏi sẽ rất dễ dẫn đến lạc đề, hiểu nhầm và xác định sai trọng tâm của đề bài, hạ thấp điểm tiêu chí Task response của em cực nhiều. Do đó đừng quá vội vàng, hãy đọc kỹ đề bài và dành ra 10 phút để đọc kỹ câu hỏi, lập dàn ý, gạch ra những ý tưởng cơ bản cho bài viết của mình. Điều đó vừa đảm bảo em đang theo sát đề, vừa giúp em không lạc, không trôi bất kì một ý nào trong bài làm nữa đó!

2. Bài viết luôn phải giữ tính mạch lạc 

Sau khi đã có những ý tưởng cơ bản cho bài viết rồi, em cần phải kết nối những ý tưởng đó lại thành một bài văn hoàn chỉnh. Nhiều bạn chỉ tập trung vào việc trình bày các ý sẵn có, mà quên mất việc các ý đó phải liên kết chặt chẽ với nhau để làm sáng 1- 2 luận điểm duy nhất. Bên cạnh đó, việc lựa chọn những từ ngữ chuyển ý, hay lựa chọn ví dụ liên quan đến bài viết cũng là một lưu ý rất quan trọng. Nếu em chưa đảm bảo được tính mạch lạc, các ý rời rạc và không liên kết với nhau, thì khả năng cao là em bị trừ điểm rất nhiều vì lý do này đấy! 

3. Hãy có người sửa bài viết liên tục 

Dù em có đọc bao nhiêu bài Writing 8.0, hay viết nhiều bài như thế nào đi chăng nữa, nhưng em vẫn luôn lặp đi lặp lại một lỗi sai (VD: Cách dùng từ không phù hợp; Viết câu thiếu động từ; Dùng sai mệnh đề quan hệ,…) thì em vẫn sẽ mãi bị trừ điểm tại lỗi đó thôi. Do đó, muốn cải thiện kĩ năng Writing thực sự hiệu quả, em phải có những anh/chị hay thầy/cô người điểm cao sửa bài cho em, để chỉ cho em những lỗi sai và loại bỏ tận gốc. Thậm chí, những bậc tiền bối này sẽ không chỉ sửa 1 lần mà phải sửa rất nhiều lần, để lỗi sai không trở thành cố hữu và không gây ảnh hưởng tới kỹ năng viết của em sau này. Đừng quên tìm cho mình một “đàn anh” uy tín để giúp đỡ mình trong lúc khó khăn em nhé!

4. Đừng làm quá nhiều đề!

Nghe có vẻ vô lý, phải không? Nhưng nếu em nhìn sâu vào việc giải đề, em sẽ thấy nó mang ý nghĩa sâu sắc hơn việc viết đủ 250 từ rất nhiều. Việc viết một bài essay đã khó, song, việc tự nhìn nhận và rút ra bài học cho mình sau mỗi bài viết còn khó hơn rất nhiều. Đừng chỉ chăm chú lao vào giải thật nhiều đề, mà hãy ngồi phân tích bài viết của mình dưới sự hướng dẫn của người giúp đỡ, sau đó viết đi viết lại nhiều lần một bài, đồng thời loại bỏ những lỗi sai và áp dụng những kiến thức bổ ích đã học. Bên cạnh đó, em có thể tổng hợp một bảng những từ vựng, cấu trúc, cách triển khai ý tưởng hay,…cho từng Topic khác nhau, để có thể dùng lại chúng cho các nhóm chủ đề có hướng triển khai tương tự. Làm như vậy, em sẽ không cần phải làm quá nhiều đề, nhưng có sẵn vốn kiến thức để “xử đẹp” những tất cả các dạng đề trong phòng thi. 

Hy vọng với những tips trên đây, An đã có một cái nhìn đúng đắn hơn về việc luyện tập kỹ năng viết, và biết cách để ôn luyện sao cho hiệu quả. 

Chúc em thành công!