Em muốn học từ vựng một cách nghiêm túc nhưng em không bao giờ tập trung được quá 5 phút. Bác sĩ có cách nào để giúp em không ạ?
Chào em,
Triệu chứng và tác hại của việc kém tập trung
Để bác sĩ đoán nhé, em đang gặp một hoặc nhiều tình trạng như sau. Cách vài phút lại phải “check noti” mạng xã hội. Trước khi học, nếu lỡ nghe nhạc/xem phim thì hay bị sa đà rồi tự bảo bản thân “nốt bài/tập này nữa sẽ học”. Có thể lướt mạng xã hội hàng giờ đồng hồ nhưng học thì chỉ tập trung được một thời gian cực ngắn đã thấy chán nản. Nếu em có những biểu hiện trên thì em có thể đang bị mất hứng thú nên không thể tập trung trong học tập/
Chưa bàn đến nguyên nhân sâu xa, chỉ như vậy thôi ta đã thấy những việc này ảnh hưởng rất xấu đến việc tiếp thu kiến thức. Đối với việc học ngôn ngữ, ta cần cần thời gian để thẩm thấu ngữ pháp, tạo các liên kết trí nhớ cho từ vựng. Nếu cứ cách vài giây ta lại xao lãng thì cũng như chúng ta đang tải một tập tin mà lại bị rớt mạng dẫn đến việc học mà không nhớ, không tiếp thu. Việc học nửa vời như vậy vừa làm em phí thời gian (ngồi một chỗ nhiều giờ nhưng thời gian học thực rất ít), ảnh hưởng đến tâm trạng và ý chí học tập.
Thủ phạm gây ra việc mất tập trung
Vậy nguyên nhân là do đâu? Nếu như nói việc này xảy ra do người học “thiếu ý thức học tập” hay “lười biếng” thì sẽ không giúp được gì nhiều vì nó quá chung chung. Trước hết, em hãy xem việc học hiệu quả là một kỹ năng mà ai cũng phải luyện tập mới có chứ không phải là một khả năng thiên phú và cũng không hẳn là chỉ ngồi vào bàn học hằng giờ mỗi ngày có thể khiến ta giỏi lên được. Việc học tập chưa tốt là do có những điều ta chưa làm đúng vì ta chưa biết tới chúng, bao gồm cả việc sử dụng thiết bị điện tử.
Việc sử dụng điện thoại, máy tính và internet không chỉ đơn giản là làm chúng ta xao nhãng mà nó còn làm ta mất đi hứng thú học tập. Mỗi khi nhận được một “noti” hay một tin nhắn, cơ thể chúng ta tiết ra chất “dopamine” làm cho ta có cảm giác hưng phấn giống như khi sử dụng một vài chất kích thích thần kinh. Cảm giác này làm ta “feel good” và này xảy ra lần này qua lần khác khiến ta hình thành một thói quen xấu.
Làm sao để ra lệnh cho não phải tập trung?
Trong khi đó, diễn giả Chris Bailer nói trong diễn thuyết “Làm cách nào để khiến não bạn tập trung” trên TedTalk nói rằng việc lúc nào cũng đắm chìm với điện thoại khiến não chúng ta luôn trong tình trạng được kích thích cao, khiến cho những việc làm khác trở nên vô vị và không hứng thú. Khi chúng ta cảm thấy gì đó nhàm chán, chúng ta sẽ rất khó tập trung vào nó. Chris đã làm một thử nghiệm là chỉ cho phép bản thân sử dụng điện thoại 30 phút mỗi ngày.
Và sau vài ngày anh đã nhận ra sự thay đổi rõ rệt, anh có thể tập trung đọc những thứ được xem là nhàm chán như “chính sách sử dụng sản phẩm của iTunes”. Chính việc “cai” dopamine giúp cho não của anh không bị rơi vào trạng thái bị kích và thấy mọi thứ xung quanh vô vị, dần dà anh đã tìm được sự thú vị đến từ những việc rất bình thường!
Thực ra, việc bị các tác nhân bên ngoài gây giảm hiệu quả học tập không phải là một phát hiện mới. Từ nhiều năm qua, những thủ phạm gây xao nhãng như đã được điểm mặt: không có được môi trường học phù hợp (học trên giường ngủ, ở căn tin, ở nơi ồn ào), vừa học vừa làm việc khác, không chia bài học ra làm phần nhỏ. Trong bài giảng “Study less, study smart” của mình, giáo sư tâm lý học Marty Lobdell đã nói rằng việc học ở những nơi mà ta đã tạo phản xạ có điều kiện và liên hệ tới việc giải lao hay ăn uống khiến ta mất hứng thú học tập.
Ông cũng chỉ ra rằng con người chỉ có thể tập trung cao độ trung bình từ 20-30’ (nhiều hơn thì cần luyện tập) cho nên khi học cần chia bài học ra thành nhiều phần phù hợp với khả năng học thật tập trung trong 20-30’ sau đó có thể làm việc khác như đi dạo một vòng đề não có thời gian lấy lại sự hứng thú trong học tập. Nếu áp dụng cách này, ta có có thời gian học thực là 2 giờ nếu như ngồi bên bàn học 2 giờ 30 phút, hiệu quả hơn hẳn việc ngồi đồng 5 tiếng bên bàn nhưng chỉ học cuống cuồng ở vào phút cuối!
Đăng kí học gym cho não
Sau khi đã biết được “sương sương” vì sao em hay mất tập trung, hãy bắt tay vào xây dựng những phương pháp học tập tối ưu. Bác sĩ gợi ý rằng em tạo ra một không gian học thật riêng tư cho mình, hay xem đó như thế giới riêng của bản thân mà khi bước vào đó em không còn quá quan tâm đến thế giới bên ngoài nữa.
- Không gian học tập: nếu không có phòng học riêng, em có thể sắp xếp không góc học tập nho nhỏ, quay lưng lại và đừng để các “cám dỗ” như tivi, giường ngủ, tủ lạnh lọt vào tầm mắt.
- Bắt đầu bằng một thời khóa biểu vừa sức, đừng tự bắt mình phải ngồi quá lâu vì như vậy em sẽ tự tạo cảm giác chán ghét việc học. Khi thấy có dấu hiệu mất tập trung hãy đứng dậy đi dạo một vòng.
- Tuyệt đối lúc nghỉ giải lao không check điện thoại cho dù bản thân có bị bồn chồn cách mấy.
- Ngắt wifi lúc học, để điện thoại ở chế độ máy bay, sử dụng từ điển giấy hoặc app offline thay vì online. Nếu buộc phải dùng internet, hãy cho danh sách các web giải trí, tiêu khiển và mạng xã hội vào danh sách cấm truy cập.
- Tạo một thời gian biểu cố định, thông báo cho bạn bè biết những giờ này em không thể truy cập mạng/email để khỏi lo về việc ai đó cần mình. Hoặc chỉ cho phép bản thân check tin nhắn 1 lần/ 2 giờ và tuyệt đối chỉ nhắn lại nhưng tin quan trọng.
- Chỉ cho phép bản thân được sử dụng internet giải trí một lương thời gian cố định (vd: 30’ mỗi ngày khi đã học xong).
- Tận dụng internet và giải trí để tự thưởng tạo động lực cho bản thân (vd: tự treo giải nếu học thuộc 20 từ vựng mới trong tuần thì cuối tuần sẽ được xem 2 tập phim yêu thích)
- Bình tĩnh và nhẹ nhàng với bản thân. Đừng quá nóng vội nếu kết quả không đến nhanh như mong đợi, em phải kiên trì một thời gian đầu thì mới có kết quả tốt!
Bình luận