Em học đã lâu và kiến thức cũng vững nhưng có một điều là phát âm của em rất tệ. Làm sao để em có thể đập đi xây lại ạ?
Chào em,
Câu hỏi của em là một câu hỏi rất thú vị bởi vì đây là một trong những điều làm bận lòng cả người mới học tiếng Anh cũng như người đã học lâu năm. Có nhiều lí do khiến cho cách phát âm của người học lâu năm không được chuẩn, thậm chí là gây cản trở trong việc giao tiếp: không luyện tập các âm trong tiếng Anh, ảnh hưởng của tiếng mẹ đẻ, học sai phương pháp từ sớm.
Tất cả điều trên đều là những rủi ro mà người học phải chịu khi học bất kì kỹ năng mới nào. Nhưng đừng lo, Bác Sĩ sẽ bật mí bài thuốc gia truyền mà Bác Sĩ đã truyền lại cho nhiều bạn khác. Đó là việc “học lại” (relearn) một cách đúng đắn. Nguyên lí của việc học lại nhấn mạnh vào việc xây dựng kỹ năng tự bắt lỗi và tự sửa lỗi cho mình.
Trước khi giải quyết vấn đề này trước hết em phải nắm rõ cách phát âm của bản phiên âm quốc tế. Lưu ý là em không nhất thiết phải phát âm được chuẩn tất cả các âm từ đầu, em chỉ cần biết được trong tiếng Anh có bao nhiêu âm và tập phát âm dần dần những âm này.
1. Nhìn nhận ra điểm cần cải thiện
Em hãy ghi âm những lúc mình mình nói tiếng Anh như đọc một bài báo, tự thuyết minh một chủ đề, hay một cuộc đối thoại ngắn. Sau đó, hãy đặt mình trong tâm thế của một người lạ đang nghe lại những đoạn ghi âm đó và tự note lại những từ đã phát âm tốt và những từ bạn cảm thấy sẽ gây khó hiểu cho người khác. Bạn cũng có thể cố bắt lỗi phát âm của mình khi giao tiếp bằng tiếng Anh tuy nhiên việc này sẽ khó hơn. Tốt nhất, bạn có thể nhờ ai đó ghi nhận lại một vài lỗi bạn thường mắc phải và phản hồi khi bạn đã nói xong.
2. Luyện tập cục bộ
Từ danh sách ở bước 1, bạn hãy dành thời gian luyện tập riêng lẻ từng từ mình phát âm chưa tốt bằng cách áp dụng bảng phiên âm quốc tế, cách phát âm mẫu trong các từ điển online hoặc kho từ điển phát âm forvo.com. Nên nhớ phát âm là một kỹ năng về cơ bắp cho nên bên phải thoải mái và luyện đi luyện lại để cơ thể có thể “ghi nhớ” các cử động của phổi, lưỡi và môi.
3. Luyện tập tình huống
Một khi đã cải thiện các từ trên, bạn hãy luyện tập áp dụng nó trong giao tiếp. Nhưng cơ hội để em dùng ngay từ vừa luyện trong một cuộc hội thoại ngẫu nhiên rất thấp, nên em có thể tự tạo ra tình huống để luyện tập từ em vừa tự chỉnh phát âm. Em có thể cùng bạn bè lập nhóm học tập để làm việc này. Ví dụ như em vừa học xong từ “international” có nghĩa là “mang tính quốc tế”. Em hãy nhờ bạn em hỏi các câu có liên quan như “Do you like working in an international environment” và khi trả lời phải cố ý lồng ghép từ “international” vào câu trả lời của em. Hãy luyện càng nhiều tình huống, càng nhiều ngữ cảnh càng tốt.
Xa hơn, em có thể tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh và gợi ý mọi người nói đến những chủ đề có liên quan đến các từ này.
4. Áp dụng thực tế: tự bắt lỗi khi nói và sửa lỗi
Song song với bước 3, em phải thường xuyên giao tiếp mà không cần chuẩn bị trước. Em sẽ thấy mình vẫn sẽ mắc những lỗi cố hữu dù đã luyện tập nhiều. Đừng nản chí! Đây quả là điều bình thường luôn vì thực chiến sẽ khác luyện tập rất nhiều. Nhưng em cũng sẽ nhận ra một điều là bây giờ em vừa nói ra em đã thấy mình sai ngay. Trong những trường hợp này hãy sửa lại ngay sau đó, đặc biệt là đối tới những từ mà em phát âm sai nhiều làm người nghe không hiểu ý mình.
5. Bắt lỗi sớm hơn
Với việc “dấn thân” ở bước 4 em sẽ thấy mình càng ngày càng tự tin hơn vì mọi người đã dễ tiếp thu lời em nói hơn trước và em cũng sẽ nhận thấy thực ra những từ thường gặp em đã ít sai hơn nhiều. Còn những từ ít gặp đôi khi em sẽ bị từ ra đến miệng thì bị lập bập. Đây là nhận thức về từ đúng của em đang “chiến đấu” với thói quen sai. Ở những trường hợp này, em bình tĩnh lấy hơi thở và phát âm cẩn thận từ đúng cách. Tuy việc này sẽ làm cách nói chuyện mất tự nhiên nhưng về lâu dài thì sẽ có lợi cho em hơn.
6. Luyện tập đến khi đạt chuẩn.
Hãy theo các bước từ 1 đến 5 cho tất cả những từ em cảm thấy khó nhé!
Bình luận