Bạn Ly hỏi: Bác sĩ ơi, gần đây đề thi IELTS Writing task 1, đặc biệt là thi máy tính, thường xuyên xuất hiện những dạng process cực lạ. Kỳ trước em đi thi cũng gặp phải sơ đồ hình chiếc xe đạp mà không biết xử lý như thế nào tại vì chưa gặp bao giờ, cuối cùng không làm bài được. Em sợ quá đâm ra nản không muốn học nữa luôn ạ. Bác sĩ cho em lời khuyên với ạ.
Chào Ly!
Chà, một vấn đề nan giải với không chỉ các bạn mới học IELTS mà còn làm đau đầu cả những “cao thủ” trong giới IELTS nữa đấy. Thật ra để đạt được điểm cao trong bài thi Writing Task 1, chúng ta không chỉ cần có nhiều từ vựng, mà còn cần biết cách sắp xếp ý tưởng một cách logic, ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo lột tả được những thông tin cần thiết của đề bài. Do vậy, dù nhiều bạn hiểu được những từ ngữ trong đề bài vẫn cảm thấy khó khăn khi bắt đầu đặt bút xuống viết.
- “Viết xu hướng thế nào đây?”
- “Body 1 viết gì trước?”
- “Có cần tách đoạn không hay viết liền mạch?”
- “Không có số liệu làm sao chắc chắn mình đang đi đúng hướng?”
…
chắc hẳn là những câu hỏi xuất hiện trong đầu em ngay khi nhìn thấy một chiếc diagram “từ trên trời rơi xuống”.
Vậy, làm sao để giải quyết tình huống “khó đỡ” này? Nhớ cho bác sĩ 4 điều sau nhé:
1. Muốn nhanh thì hãy từ từ – Đọc thật kỹ đề bài
Trên mỗi hình vẽ của biểu đồ luôn có phần đóng khung câu hỏi. Đa số các bạn chỉ tập trung nhìn vào phần mô tả biểu đồ mà quên đi đề bài đang thực sự yêu cầu mình làm gì. Họ yêu đang cầu mình “Summarize the information’, ‘report main features’, make comparisons’ hay “show how … works/operates”? Từ đó, em sẽ đảm bảo được mình sẽ phải bao gồm những yếu tố gì bên trong bài viết. Điều này cực kì quan trọng đối với những đề lạ, vì nếu không để ý em rất dễ mất điểm task response (viết đúng yêu cầu đề bài).
2. Tuân theo những quy tắc cũ – Bài nào cũng cần đảm bảo những yếu tố chung
Lúc này em hãy ghi nhớ lời thầy cô dặn trên lớp “Mở bài paraphrase lại đề bài nhưng không được copy”, “Xuống dòng phải viết xu hướng chung nổi bật nhất của biểu đồ, thấy gì viết đó”, “Body nên tách ra theo luận điểm lớn để dễ theo dõi”,…Tất cả các bài Writing task 1 đều tuân theo những quy luật chung và chúng ta luôn phải đảm bảo bài viết của mình có đầy đủ những yếu tố đó. Nếu như chỉ vì gặp một process hoặc map lạ mà em thiếu đi phần viết xu hướng chung, thì khả năng cao là em sẽ bị trừ rất nhiều điểm đấy.
3. Nhà có gì dùng nấy – Hãy khai thác các từ vựng cho sẵn
Đối với các dạng biểu đồ lạ thường xuất hiện gần đây, số liệu sẽ không phải là thành phần chính mà thay vào đó là những label (nhãn dán từ vựng) như một cách giải thích ngắn gọn giúp em hiểu đề bài. Do đó, hãy tìm những từ vựng đồng nghĩa/ paraphrase những thông tin cho trước hoặc sử dụng lại y nguyên từ đó nếu như em không hiểu nghĩa. Cố gắng diễn đạt các từ đó theo những cách khác nhau: sử dụng cấu trúc ngữ pháp phức tạp hơn (chủ động, bị động, câu phức, câu chẻ,…), sử dụng liên từ, chia nhóm thông tin liên quan đến nhau,…Từ đó, em có thể mở ra cho mình những hướng đi mới và có thêm ý tưởng để viết.
4. Đừng quá lo lắng – Dù sao cũng chỉ là Task 1!
Em hãy nhớ rằng Task 1 không chiếm quá nhiều điểm trong phần thi Writing, do đó đừng nên quá lo lắng mà nản chí khi gặp phải một “chiếc” đề lạ lẫm. Hãy cứ viết theo ý mình, miễn sao đảm bảo được tính đúng đắn và phù hợp của bài viết. Luôn phải giữ sự tập trung để làm tốt Task 2, vì nó sẽ đóng vai trò quyết định đối với điểm thi của em đấy!
Chúc Ly học tốt và sẽ không còn bỡ ngỡ khi gặp những dạng đề lạ nữa nhé!
Bình luận