Bạn Hoàng hỏi: Bác sĩ ơi, em nghe nói có một phương pháp luyện kỹ năng Listening đó là nghe - chép chính tả. Không biết phương pháp này có thực sự hiệu quả không và làm cách nào để áp dụng ạ? Em cảm ơn bác sĩ.
Bác sĩ trả lời:
Chào Hoàng. Cảm ơn em đã gửi câu hỏi về cho bác sĩ.
Nghe – chép chính tả là một trong những phương pháp rất nhiều bạn truyền tai nhau để luyện tập kỹ năng nghe. Đúng như cái tên, bản chất của phương pháp này là nghe và chép chính tả lại 100% những gì em nghe được. Được biết đến từ năm 1981, nghe – chép chính tả đã được nhiều người áp dụng thành công trên thế giới. Đây cũng là một trong những phương pháp rất hữu hiệu cho nhiều người học tiếng Anh ở Việt Nam.
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là khi em cố gắng nghe để chép lại script của bài nghe, em sẽ phát huy được sự tập trung cao độ để phân biệt các âm, từ đó giúp em nhận ra và làm quen được với những chi tiết khó như âm nối, âm điệu và ngữ điệu; Phân biệt được từng chi tiết thường không được phát âm rõ hoặc bị lướt nhanh. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể giúp em nhận biết được những cấu trúc, từ vựng hay khi em nghe đi nghe lại nhiều lần, phục vụ cho cả các kỹ năng khác trong IELTS.
Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực, bởi nó dễ hình thành thói quen muốn nghe tất cả các từ trong một câu, thay vì nghe ý chính. Việc này có thể gây ra áp lực tâm lý cho em, bởi nếu em lỡ nghe sót mất 1, 2 từ, em sẽ không nghe được các từ còn lại. Đến một lúc não bị quá tải, em sẽ dễ rơi vào trạng thái bão hoà, gây ra cảm giác nặng nề, buồn ngủ và không thực sự tiếp thu được gì.
Trên thực tế, phương pháp luyện nghe chép chính tả chỉ phù hợp với những ai mới bắt đầu học IELTS; Còn đối với các bạn target 6.0 + trở lên thì phải tập trung vào việc nghe hiểu hơn, vì việc chép chính tả sẽ mất nhiều thời gian lắm đấy!
Vậy, làm sao để áp dụng phương pháp này một cách hiệu quả nhất?
1. Tìm một nguồn phát tiếng Anh chuẩn (phải có phụ đề hoặc transcript)
Nói đến nguồn nghe chuẩn thì chắc hẳn không ai không biết đến bộ sách Cambridge dành cho mọi học viên IELTS. Bộ đề Listening Cambridge 8-16 với nội dung trình bày rõ ràng, cách thiết kế câu hỏi khoa học sẽ là tài liệu bỏ túi không thể thiếu để em có thể sẵn sàng với mọi bài thi IELTS Listening. Tuy nhiên em cũng có thể chọn nghe bất cứ nguồn nào hoặc dạng nội dung nào em thích, miễn là có đầy đủ phụ đề hoặc transcript.
2. Nghe và chép lại nội dung
Đây được xem là thử thách cực kỳ lớn trong khi luyện tập kỹ năng nghe. Em cần nghe và chép lại tất cả những gì em nghe được từ audio. Hãy bấm dừng băng sau mỗi câu hoặc sau 10 giây để có thời gian chép xuống. Ban đầu có thể em sẽ mắc phải rất nhiều lỗi sai và không nghe được nhiều từ, có thể là từ mới em chưa biết, hoặc từ em đã biết nhưng em lại phát âm sai rồi dẫn đến nghe sai. Tuy nhiên em đừng quá lo lắng, mà hãy cứ nghe và viết ra tất cả những gì mình nghe được, so sánh với transcript và rút kinh nghiệm dần dần. Mọi thứ có thể bắt đầu hơi khó khăn, nhưng một khi tai đã quen với tốc độ và phong cách đọc của người bản xứ, em sẽ có thể tìm rất nhiều điểm thú vị mà chính những “cao thủ IELTS” cũng chưa chắc đã nghe ra được.
3. Tập đọc theo transcript và thu âm lại so sánh
Ở bước này, em hãy nghe thật kỹ phát thanh viên đọc, nhấn nhá, nối âm, lên xuống ở đâu, sau đó bắt chước giống hệt học rồi đọc theo. Tiếp đến, hãy nghe lại phần thu âm giọng đọc của mình, xem chỗ nào chưa giống thì đọc lại. Em hãy sửa đến khi nghe lại thấy giống thì thôi, hoặc nhờ thầy cô, bạn bè sửa giúp.
Việc này dễ gây nản và mất thời gian nhưng đây là cách luyện phát âm cực kỳ hiệu quả. Khi em phát âm chuẩn thì sau này nghe lại những từ vựng đó em sẽ có thể hiểu ngay và không còn làm sai nữa.
Mỗi phương pháp đều có những ưu, nhược điểm riêng và tính phù hợp khác nhau với từng đối tượng cụ thể. Vì vậy, em hãy cân nhắc những yếu tố bác sĩ vừa đề cập ở trên, và hãy luyện tập phương pháp này đúng cách để sớm tiến bộ nhé.
Chúc em học tốt!
Bình luận