Bạn Hồng hỏi: Em nghe vài anh chị nói để đạt điểm cao trong kì thi IELTS, em phải học rất nhiều từ vựng band cao. Tuy nhiên một số bạn khác lại bảo không nhất thiết phải dùng từ vựng khó, mà chỉ cần phù hợp là được. Em cảm thấy hơi hoang mang, mong bác sĩ cho em lời khuyên ạ.
Bác sĩ trả lời:
Cảm ơn Hồng đã gửi câu hỏi đến cho bác sĩ.
Trước tiên chúng ta hãy cùng “mổ xẻ” định nghĩa về “từ vựng khó”. Theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc, những từ vựng từ band B2 đến C2 được xem là từ vựng hay và khó, giúp cho người học chinh phục được thang điểm từ 6.5 đến 9.0 tương ứng trong kì thi IELTS. Chìa khoá của IELTS nằm ở việc sử dụng Tiếng Anh học thuật – ngôn ngữ được dùng trong các văn bản khoa học, sách giáo khoa, tài liệu chuyên ngành…,thường được sử dụng bởi các học giả, các nhà nghiên cứu, và đòi hỏi tính chính xác, đa dạng và tinh tế. Tiêu chí về từ vựng trong IELTS cũng khẳng định để đạt được band điểm 7.0+, em phải có khả năng sử dụng “less common words” (từ vựng ít thông dụng). Nhiều bạn do mong muốn chinh phục mức điểm cao nên cố gắng ép bản thân học thật nhiều từ vựng “khủng”. Việc này là vô cùng cần thiết, song nó có thể gây ra nhiều vấn đề nếu như em chưa thực sự hiểu bản chất của từ vựng. Bác sĩ khuyên em hãy “nằm lòng” những điều sau nhé!
1. Từ vựng chỉ hay khi nó đúng
Như em đã biết, một từ vựng chỉ phát huy đúng hiệu quả của nó trong giao tiếp khi được sử dụng phù hợp với ngữ cảnh. Các từ đồng nghĩa còn chưa chắc có thể thay thế cho nhau trong tất cả các trường hợp, nên em phải hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng chúng trong câu. Ví dụ dễ thấy nhất có lẽ nằm ở Collocation (kết hợp từ). Ta có “quick” và “speedy” đều có nghĩa là “nhanh”, nhưng ta nói “a speedy car” chứ không nói “a quick car”, đơn giản vì đó là tiếng Anh tự nhiên của người bản xứ. Do đó, khi muốn nâng cấp từ vựng để có thể diễn đạt đa dạng ý tưởng, em cũng cần xem xét kỹ lưỡng về tính phù hợp của nó trong từng ngữ cảnh.
2. Đừng nhầm lẫn định nghĩa “hay” và “phù hợp”
Khác với nhiều bạn nghĩ, không phải lúc nào chúng ta cũng cần sử dụng một loạt các từ vựng “đao to búa lớn” trong bài nói hoặc viết, vì mục đích cuối cùng của ngôn ngữ là để giúp kết nối con người với nhau, chứ không phải để chia rẽ về trình độ học vấn. Việc sử dụng tiếng Anh học thuật cũng nên được lồng ghép khéo léo trong tiếng Anh giao tiếp, để vừa giữ nét trang trọng nhưng không khiến chúng ta trở thành những con robot. Ví dụ đơn giản, cũng là để chỉ “con cái” nhưng chúng ta có 3 từ vựng “Kids” (kém trang trọng), “Children” (trung tính) và “Offspring” (trang trọng). Dù nên hạn chế sử dụng những từ vựng “kém sang” trong Writing, song không có nghĩa là em phải loại trừ hoàn toàn chúng ra khỏi từ điển IELTS, vì đôi lúc chúng vẫn sẽ là những cứu cánh cho em trong những lúc cần paraphrase trong phần thi Speaking đấy!
3. Từ vựng chỉ là một trong bốn tiêu chí làm nên thành công
Hãy luôn ghi nhớ Từ vựng không phải là tất cả để giúp em có một bài viết hay, một bài nói tốt. Do đó đừng để việc suy nghĩ/ nhớ ra thật nhiều từ vựng khó làm ảnh hưởng tới tốc độ nói của em, hay khiến em thiếu đi sự mạch lạc xuyên suốt bài viết. Em sẽ có cơ hội đạt điểm cao hơn nếu như nhận thức được việc cân đối giữa tất cả các tiêu chí, thay vì chỉ tập trung duy nhất vào một điểm.
Mong rằng em đã hiểu hơn về bản chất của từ vựng, cũng như cách sử dụng phù hợp trong bài thi IELTS. Chúc Hồng học tốt!
Bình luận