Phòng Khám IELTS

Giải đáp hết mọi thắc mắc "Tại sao"
trong quá trình học IELTS.

Tại sao người ta nói mình hiểu, nhưng không trả lời lại được?

08 tháng 08, 2022

Em làm trong công ty nước ngoài, có sếp là người Anh, Mỹ nên trình độ nghe của em khá tốt. Em hiểu được gần như mọi nội dung sếp truyền đạt, cả trong công việc lẫn đời sống hằng ngày. Tuy nhiên khi buộc phải trả lời sếp, em cứ ấp úng và không thể nói được gì, như thể từ vựng cứ chạy đi đâu hết. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến kỹ năng IELTS Speaking của em. Có cách nào để điều trị “bệnh khó nói” này không ạ?

Xin chào Bảo, 

Vấn đề của em cũng là vấn đề chung của khá nhiều bạn. Các bạn có thể nghe được 90-95% nội dung bài thi IELTS Listening, nghe được bài giảng của giáo sư nước ngoài, làm việc được với sếp người bản xứ, thậm chí xem phim không cần phụ đề mà vẫn nghe, hiểu tốt. Tuy nhiên, các bạn lại gặp khó khăn trong việc hồi đáp hay nói tiếng Anh và thường xuyên cảm thấy ấp úng, không biết nói gì mặc dù từ vựng, ngữ pháp khá vững. 

Lý do dẫn đến căn bệnh này có thể là do cách tiếp cận với tiếng Anh của em đã gặp quá nhiều rào cản từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Các bước như quy tắc phát âm, ngữ pháp, dịch nghĩa,…đã làm kéo dài khoảng cách giữa em với tiếng Anh mà em muốn tiếp cận. Khi muốn phát âm một từ, em buộc phải đảo ngược lại các bước đó, do vậy nên mất nhiều thời gian hơn để nói. 

Về mặt bản chất, receptive skills (kỹ năng tiếp thu, lĩnh hội) như Listening và Reading luôn dễ hơn, vì chúng ta được trình bày sẵn những “món ăn” trên bàn và chỉ việc lựa chọn món nào mình thích, tương tự như việc chọn lọc những thông tin mình cần (và muốn) nghe. Trong khi đó, productive skills (kỹ năng phái sinh) như Writing và Speaking lại đòi hỏi chúng ta phải vận dụng hết tất cả kiến thức về nguyên liệu, cách sơ chế, các bước thực hiện, nêm gia vị,…của “món ăn” để tự mình nấu ra nó. Do đó, 2 kỹ năng này thường làm não chúng ta bị rối, và mất nhiều thời gian hơn để xử lý thông tin. 

Việc em cảm thấy từ vựng như “biến mất” trong đầu mỗi khi em cố gắng nhớ ra nó, là do em chưa thực sự hiểu nó kỹ như em tưởng. Điều này nghe có vẻ nghịch lý, nhưng đó là sự thật. Em viết một từ mới xuống vở, và rồi em để nó ở đó trong vòng 2 tuần, 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm mà không thèm nhìn lại, hoặc em chẳng bao giờ sử dụng nó trong đời sống, thì khả năng cao là em hãy quên nó đi và thay bằng những từ khác dễ nhớ, dễ hiểu hơn. Việc này sẽ giúp em giảm bớt căng thẳng, áp lực khi nói và em sẽ nhanh chóng diễn đạt được ý của mình. 

Thứ hai, em hãy luôn ghi nhớ rằng mình phải nâng cao kỹ năng nói, và thường xuyên thực hành mỗi khi có cơ hội. Khi xem phim, đừng chỉ chìm đắm vào nội dung phim, mà hãy cố lặp lại những cụm từ hay, cách diễn viên lên xuống giọng, hay cách họ sử dụng ngôn ngữ cơ thể để truyền đạt thông tin. Khi đọc sách, hãy cố gắng đọc to và rõ những thông tin mình đang tiếp nhận, điều này sẽ giúp em vừa luyện phát âm, lại vừa học được từ vựng trong những ngữ cảnh cụ thể. Tóm lại, hãy luôn cố gắng thực sự “nói”, đừng để mọi thứ chỉ dừng lại ở những suy nghĩ trong đầu. Đến một thời điểm nào đó, khi em đã thực sự quen và sử dụng thuần thục một từ vựng, một cấu trúc ngữ pháp, thì em mới có thể tự tin giao tiếp bằng lời. 

Càng lớn, não bộ càng trở nên chậm trong việc phát triển kỹ năng phái sinh, nhưng điều này không có nghĩa là em không thể cải thiện kỹ năng nói của mình. Bác sĩ tin rằng nếu như em cố gắng luyện tập trong một thời gian khoảng thời gian liên tục, em sẽ sớm đạt được kết quả như ý. 

Chúc em thành công. 

Bình luận

Bình luận