Phòng Khám IELTS

Giải đáp hết mọi thắc mắc "Tại sao"
trong quá trình học IELTS.

Đào giếng bao sâu thì chạm mạch ý tưởng

10 tháng 09, 2021

Bác sĩ ơi, em sắp thi rồi mà Speaking part 2 em chưa ôn đến đâu, em sợ vào phòng thi Speaking mà gặp phải chủ đề mình không biết thì em sẽ không có ý tưởng nói luôn.

Chào em, 

Phần Part 2 của bài IELTS Speaking hướng đến việc đánh giá khả năng nói dài của thí sinh. Đây là phần là đa số các bạn rất sợ vì lo mình không có đủ kiến thức hay chưa ôn tới chủ đề được ra. Tuy em, theo quan điểm của Bác Sĩ, việc ôn hết các chủ đề có thể ra trong IELTS là một điều bất khả thi và đối với cho vài bạn, việc này có thể dẫn tới việc học thuộc lòng, một điều cấm kỵ khi đi thi IELTS.

Do vậy, việc ôn tập hợp lý hơn đó là ôn theo cấu trúc và ôn theo dạng chủ đề chứ không phải theo từng chủ đề cụ thể. Ở bên dưới mục (1) sẽ được dành cho các mảng chủ đề và mục (2) Bác Sĩ sẽ nói rõ về việc giải quyết tình huống trong phong thi. Có thể xem (1) là kế hoạch dài hạn của người ôn và (2) là việc xử lý tình huống trên chiến trường.

1. Kế hoạch dài hạn 

Tất cả câu hỏi trong part 2 đều được bắt đầu bằng từ “describe” và có từ “you” hoặc “your” có nghĩa đây vẫn đang hỏi về những thứ mà em đã trải qua hoặc có kinh nghiệm trước đó. Có khoảng 5 mảng chủ đề thường hay ra nhất trong part 2 đó là: person (người), place (nơi chốn), activity (hoạt động), object (đồ vật), và event (sự kiện). Em hãy ôn trọng tâm từ vựng và cách diễn đạt khi nói về 5 mảng này. Cụ thể:

Person: các từ vựng về ngoại hình, tính cách…

Place: các từ vựng miêu tả nhà, các tòa nhà và những địa điểm thiên nhiên…

Activity: tập trung vào miêu tả làm cách nào để làm hoạt động này, cảm giác khi thực hiện nó

Object (bao gồm cả động vật và món ăn): cách miêu tả vẻ ngoài, size, cảm giác khi sờ vào, những đặc điểm đặc trưng, đối với món ăn thì có thể cả vị.

Event: học cách về những tình tiết của một sự kiện như kiểu kể một câu chuyện: khi mới bắt đầu, giữa sự kiện (những tình tiết nổi bật, cao trào) và kết thúc sự kiện.

Nên nhớ part 2 em phải vẽ được một bức tranh bằng lời nói hoặc kể một câu chuyện có đầu có cuối!

Background information (thông tin ngoài lề): những thông tin liên quan đến what, when , who, where, why… đây là phần em đặt nền móng cho câu chuyện. Hãy ôn tập cách nói mở đầu một câu chuyện như việc được nói trong bài xảy ra khi nào (when), ở đầu (where), với ai hoặc có ai ở đó (who), và lý do (why). Em không cần nói hết tất cả mà hãy chọn những thông tin liên quan nhất.

Main description (thông tin miêu tả chính): là phần miêu tả chính trong phần nói, em hãy luyện trước các từ vựng và cách diễn đạt của năm mảng chủ đề nói trên.

Explanation: giải thích (nếu cần thiết) tầm quan trọng của chủ thể được nói trong bài với bản thân. Đối với các dạng bài như “tả người mà bạn kính trọng” hay “tả một bức tranh mà bạn thích”, thì đây là lúc mà em có thể giải vì sao em kính trọng người này hay vì sao em thích bức tranh này.

Reflection: Chiêm nghiệm. Hãy nói cảm giác của bản thân về vật, người, sự kiện… được nói đến. Trong tương lai thì dự định của mình với chủ thể được nói đến như thế nào. Em phải học thêm các từ vựng để thể hiện ý kiến, suy nghĩ, cảm xúc cá nhân.

2. Ứng phó trong phòng thi

Khi nhận được cue card từ giám khảo, nếu gặp chủ đề em có ít kiến thức/ý tưởng. Hãy cố gắng liên tưởng đến những ví dụ đơn giản và càng gần gũi với bản thân nhất càng tốt để ngoài miêu tả chính em có thể nói đầy đủ các ý bổ sung. Một số ví dụ như: 

Describe an important journey that was delayed.

Trong trường hợp này một số bạn khi thấy từ “quan trọng” thì sẽ nghĩ ngay đến những chuyến đi đường dài hay chuyến đi máy bay. Tuy nhiên, những chuyến đi thường ngày như đi học từ nhà đến trường cũng là những chuyến đi quan trọng miễn là em chứng minh được tầm quan trọng của nó.

Việc chứng minh khá quan trọng vì nó khiến cho phần nói của em có tính liên kết. Có thể nói hôm đó có bài kiểm tra mang tính quyết định nên đó là một chuyến đi quan trọng hoặc hôm đó có một hoạt động quan trọng như biểu diễn văn nghệ (background). Hôm ấy xe của em bị bể bánh (thủng lốp) hoặc đường bị ùn tắc và khiến em đến muộn mấy chục phút (main description). Và việc chuyến đi bị trễ có hậu quả như thế nào (explanation) và liệu em sẽ làm gì để khắc phục tình trạng này trong tương lai (reflection). Chính việc chọn một ví dụ đơn giản sẽ khiến em có nhiều ý tưởng hơn để nói.

Describe an art exhibition that you visited. (miêu tả một buổi triển lãm bạn đã từng đến)

Thực tế, đây là chủ đề khó đối với thí sinh Việt Nam vì có nhiều bạn rất ít có điều kiện đi xem triễn lãm. Nhiều thí sinh khi gặp phải chủ đề này phải “bịa” ra một câu chuyện. Tuy nhiên kể một việc không có thật không hề dễ. Cho nên chúng ta vẫn có thể đem nó về “background” thân thuộc với thí sinh như khuôn viên trường học không cần thiết bạn phải đến các “museum” hay “art gallery” sang chảnh mới có được trải nghiệm này.

Em có thể nói đây là một cuộc thi (competition) do trường phát động và các tác phẩm do  chính học sinh sinh viên sáng tác. Em có thể chọn những chủ đề mà thích và có nhiều kiến thức để cho phần miêu tả. Nếu em có nhiều từ về động vật hãy nói chủ đề là “ảnh động vật” nếu em có nhiều từ vựng về công nghệ thông tin thì nói buổi triển lãm về các thiết bị công nghệ thông tin. 

Lời cuối cùng mà Bác Sĩ muốn nhắn em là đừng quá quan trọng ý tưởng của mình có hay hay không mà hãy chú trọng cách diễn đạt của mình, xem nó đã được trau chuốt chưa. Đơn vị tổ chức kỳ thi đã khẳng định ý tưởng không được tính điểm mà thay vào đó các giám khảo sẽ chú ý hơn đến việc em dùng ngôn ngữ để diễn đạt ý tưởng đó!

Bình luận

Bình luận