Phòng Khám IELTS

Giải đáp hết mọi thắc mắc "Tại sao"
trong quá trình học IELTS.

Khai thác từ điển một cách thông minh

10 tháng 09, 2021

Bác sĩ ơi em có nên đầu tư vào một quyển từ điển Anh-Anh không ạ?

Chào em, 

Bác Sĩ rất vui vì câu hỏi này của em. Câu trả lời ngắn gọn là em nên có một quyển từ điển Anh-Anh (dạng learner’s dictionary) vì nó sẽ là trợ thủ đắc lực của em từ khi bắt đầu đến khi học nâng cao. Tuy vậy, em không nhất thiết phải mua một quyển từ điển giấy bởi vì hiện các từ điển online miễn phí đã rất phổ biến và đôi lúc còn tiện dụng hơn cả một quyển từ điển giấy (có phát âm mẫu, có nhiều ví dụ phong phú). Một vài từ điển uy tín mà em có thể tham khảo là:

  • Oxford Learner’s Dictionary
  • Cambridge Dictionary 
  • Merriam-Webster
  • Macmillan Dictionary 
  • Pearson 
  • Longman Dictionary

Một số chức năng quan trọng của từ điển và cách học từ vựng đúng cách

Trong mục này, Bác Sĩ sẽ lấy từ điển Oxford làm mẫu. Cách bày trí của các từ điển sẽ khác nhau đôi chút nhưng không nhiều.

Lấy từ “consider” làm ví dụ. Nếu em dùng những công cụ như Google Dịch, kết quả thường là từ tương ứng trong tiếng Việt như “xem xét”, “đắn đo” hay “để ý” nhưng lại không cho biết cách sử dụng và không cho ví dụ. Việc học nghĩa tiếng Việt của một từ không phải là không nên, ngược lại nó còn giúp em học được một số từ phức tạp về một cách nhanh chóng. Hãy biết kết hợp khéo léo để đạt kết quả tốt.

Khi tìm kiếm từ “consider” trên từ điển Oxford, đầu tiên em sẽ thấy từ điển sẽ cung cấp thông thiên về loại từ của từ trên là verb. Từ điển cũng cho em biết đây là từ thuộc nhóm A2 (tức là một từ khá phổ biến, người học ở trình độ A2 nên biết).

Một điểm cộng dành cho từ điển online đó là ngoài phiên âm, em còn có thể nghe cách phát âm tương ứng. Từ điển Oxford quy định màu xanh (BrE) là giọng Anh-ANh còn màu đỏ (NAmE) là giọng Bắc Mỹ

Nhấn vào mục “Verb Forms” em sẽ thấy cách chia từ theo các thì và câu trúc ngữ pháp khác nhau. 

Tiếp theo, là phần chú giải của từ, em hãy đọc kĩ các phần này để hiểu rõ nghĩa của nó. Những người biên soạn từ điển đã sử dụng ngôn ngữ một cách tối giản nhất có thể, để người mới học cũng dễ dàng hiểu được nghĩa của từ. Các số 1,2,3, … ở đầu mỗi mục chính là đánh dấu nghĩa của từ đó theo trình tự về sự phổ biến (nếu một tự có 5 mục được đánh số thì từ đó có năm nghĩa khác nhau). 

Ở đây, Bác Sĩ đang xem xét nghĩa đã được diễn giải thứ (1) và (2) của từ “consider”. 

(1). Suy nghĩ về cái gì đó một cách cẩn thận, đặc biệt là để đưa ra một quyết định. Trong ngoặc vuông cho biết đây là nội động từ hay ngoại động từ đều được. 

Khi đọc nghĩa này em sẽ nhận ra ngay đây có thể dịch tiếng Việt là “cân nhắc” hoặc “xem xét”. Những ví dụ bên dưới (đọc càng nhiều càng tốt) sẽ giúp em hiểu rõ hơn về các ngữ cảnh thông dụng có thể sử dụng từ này cũng như cách kết hợp với các loại từ khác (danh từ/giới từ/…)

(2). Nghĩ về ai đó theo một cách nhất định. 

Thậm chí khi em không hiểu rõ lắm về định nghĩa trên, em vẫn có thể đọc ví dụ “Tôi “consider” cô ấy một người bạn” em cũng có thể đoán được nghĩa (2) là “xem như, coi như”. 

Ngoài từ điển còn cung cấp cho em những thứ khác như từ đồng nghĩa, thành ngữ chứa từ em đang tìm, vân vân.

Đây là một ví dụ đơn giản để cho em thấy được sự “vi diệu” của việc học bằng từ điển một cách kỹ lưỡng. Thời gian đầu, em có thể sẽ thấy nó mất rất nhiều thời gian, nhưng về lâu dài đây là một việc khiến em có thể sử dụng ngôn ngữ một cách thuần thục và chống lại những lỗi xuất phát từ ảnh hưởng từ tiếng mẹ đẻ. Tùy ngữ cảnh mà “watch” hay “consider” đều có nghĩa là “xem” tuy nhiên khi học kỹ lưỡng nghĩa diễn giải thì watch là “xem những hiện tượng hay vật gì đó bằng mắt thường” thế nên nếu muốn nói “tôi chỉ xem anh ta là bạn” thì em phải nói “I only consider him a friend” chứ không phải “I watch him as a friend”.

Chúc em học tốt nhé! 

Bình luận

Bình luận