Phòng Khám IELTS

Giải đáp hết mọi thắc mắc "Tại sao"
trong quá trình học IELTS.

Luyện nghe mãi không tiến bộ?

06 tháng 08, 2022

Bạn Đức hỏi: Em đã học tiếng Anh khoảng 2 năm, tuy nhiên em vẫn chưa thể nghe được Part 3, 4 khi luyện nghe IELTS. Có phải do kiến thức đó quá khó không ạ hay do em chưa tìm được phương pháp học đúng? Mong bác sĩ cho em lời khuyên.

Bác sĩ trả lời:

Chào Đức. Chà, vấn đề em đang gặp có lẽ cũng khiến không ít bạn đau đầu đấy! Để chinh phục được tất cả 40 câu hỏi trong bài thi cũng không thể gọi là dễ dàng, nhưng Listening lại được đánh giá là phần “lấy điểm” trong IELTS đấy! Để bác sĩ mách em những cách giúp em tiến bộ nhanh hơn trong kỹ năng này nhé!

1. Muốn nghe tốt đầu tiên phải phát âm chuẩn

Em có thắc mắc vì sao lí do này lại xuất hiện ở đây không? Rất nhiều bạn gặp trường hợp là biết nhiều từ vựng, nhưng lại chẳng hề biết cách phát âm, hoặc biết sai. Do vậy, khi nghe tới chính từ vựng mà bạn biết, em hoàn toàn không thể đoán ra người ta đang nói từ gì. Đây là điều ít người để ý, nhưng cũng chính là lý do khiến chúng ta bị chậm lại trong quá trình nghe. Vì vậy, hay luyện cả 4 kỹ năng đồng đều để phát triển tiếng Anh toàn diện nhé!

2. Nghe đúng trình độ

Nếu em đã học IELTS 2 năm nhưng vẫn chưa thể nghe được Part 3, 4 của bài thi, thì khả năng cao vì là em vẫn chưa đủ sức. Hãy chậm lại một nhịp và tìm những nội dung nghe phù hợp với bản thân hơn, để giúp em nghe dễ dàng và nhớ từ vựng lâu hơn, đồng thời giảm bớt áp lực cho em nữa. Đừng chỉ tập trung vào việc giải đề IELTS mà quên nghe các kiến thức thường nhật, vì bài thi cũng chỉ là công cụ đánh giá quá trình học tập lâu dài của em thôi. 

3. Thời gian nghe hợp lý 

Nếu chúng ta dành quá nhiều thời gian để làm 1 việc, não chúng ta sẽ chuyển sang giai đoạn tiếp thu thông tin nhưng không thật sự nắm bắt được. Đây là thời gian em nên cho não nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng chứ không nên cố gắng nhồi nhét thêm kiến thức vào đầu. Việc nghe cũng vậy. Lúc mới bắt đầu em sẽ thấy hứng thú, nghe được nhiều và tiếp thu rất tốt. Tuy nhiên chỉ vài tuần/ vài tháng sau em sẽ trở nên kiệt sức và kiến thức không còn đọng lại bao nhiêu. Do vậy, hãy biết cách chia nhỏ thời gian nghe: 15 phút để nghe podcast, 2 tiếng xem 1 bộ phim hay, 20 phút nghe một bài thi thử,…để tránh bị “ngộp” trong quá trình học nhé! 

4. Tăng tốc độ phản xạ với từ vựng 

Vì quá trình dịch – hiểu – nhớ đã in sâu vào thói quen học của người Việt Nam từ khi ngồi trên ghế nhà trường, nên nhiều bạn cố gắng nghe từng từ từng chữ trong bài nghe để hiểu được ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên như vậy khi em nghe được 1 câu là người ta đã nói xong 5 câu rồi nhưng cuối cùng là em vẫn không hiểu gì hết và không trả lời được câu nào. Vì vậy, việc tăng tốc độ phản xạ với từ vựng là rất cần thiết, không chỉ áp dụng cho kỹ năng nghe mà còn cực kỳ quan trọng đối với speaking nữa đấy. Em có thể luyện tập suy nghĩ mọi ý tưởng hằng ngày bằng tiếng Anh, gọi tên đồ vật hằng ngày bằng tiếng Anh, tăng cường giao tiếp 2 chiều bằng tiếng Anh,…để nhanh chóng tăng được tốc độ nghe – phản xạ. 

5. Đừng cố nghe (hết)? 

Sở dĩ bác sĩ nói điều này là vì tiếng Anh bản ngữ vốn rất khó đối với người Việt chúng ta, và việc nghe và hiểu hết thật sự là “nhiệm vụ bất khả thi”. Thay vì nghe hết toàn bộ, bạn hãy tập trung vào các keywords, những từ khóa bao gồm danh từ, tính từ, động từ, trạng từ, phủ định,… Khi nói, người bản ngữ luôn nhấn mạnh vào các keywords này, và chúng chính là chìa khóa để chúng ta có thể hiểu học đang nói gì. Đây cũng là một mẹo làm bài hết sức hiệu quả trong IELTS, vì chỉ cần nắm được đại ý của câu cũng như bắt được đúng keywords thì khả năng cao là em có thể trả lời tốt câu hỏi. 

Vậy đó, em hãy xem lại mình có đang mắc lỗi nào trong khi luyện nghe không, và cố gắng khắc phục sớm nhất có thể. Bác sĩ tin rằng chỉ cần cố gắng và có phương pháp học đúng đắn, em sẽ thành công. 

Bình luận

Bình luận