Phòng Khám IELTS

Giải đáp hết mọi thắc mắc "Tại sao"
trong quá trình học IELTS.

Nghe như sấm – cố luyện nghe với tốc độ x1.25 hay x1.5 nhưng không hề tiến bộ

05 tháng 07, 2023

Bác sĩ ơi, em bị bệnh không nghe kịp bài listening trong IELTS. Nghe lời các bạn em cũng đã cố luyện nghe với tốc độ x1.25 hay x1.5 nhưng không hề tiến bộ.

Chào em,

Dạo gần đây, bác sĩ cũng để ý thấy nhiều bạn râm ran về phương pháp luyện nghe “tốc độ” này. Trước hết, đây là một trong nhiều phương pháp người luyện có thể nâng cao khả năng nghe của mình. Tuy nhiên, em cần lưu ý là phương pháp này chỉ phù hợp khi mình đã có nền tảng vững vàng và đã hiểu và làm được đại đa số các câu trong bài nghe. Ở trình độ khiêm tốn hơn, người học chỉ nên áp dụng phương pháp này khi đã nắm rõ nội dung bài đọc hoặc nghe cùng script (bản in) của bài listening nhằm phân biệt từ khó, số nhiều (âm /s/), chất giọng (accent).

Trường hợp của em, theo bác sĩ thấy, vấn đề không nằm ở chỗ tốc độ. Để bắt bệnh bản thân cho chính xác hơn, khi luyện nghe em cũng cần phải chú ý đến mình hay nghe được những gì và chưa nghe được những gì. Nếu em nghe được từng từ nhưng không hiểu nội dung thì khả năng cao là em chưa nắm tốt về ngữ pháp và các cách diễn đạt thông dụng (collocations, idioms hay phrasal verbs/nouns). Nhưng nếu em chỉ nghe được những từ đơn giản thường gặp và không nghe được thành câu hoặc chỉ nghe được một ít số câu, thì có khả năng em đang thiếu nhiều từ vựng.

Cả hai vấn đề trên đều có thể giải quyết được khi em nghiêm túc đầu tư thời gian. Mấu chốt của cách giải quyết là em phải nghe đi nghe lại nhiều lần cho đến khi chắc một nội dung chứ không nên mang tâm thế nghe càng nhiều chủ để càng tốt mà không chú trọng vào việc mình giữ lại được bao nhiêu kiến thức.

Dành cho việc tự luyện thi, em có thể nghe theo từng section của bài luyện. Sau khi sửa kết quả, em lại tiếp tục nghe lần nữa với sự trợ giúp của bản in và ghi chú lại các cụm từ hay mẫu câu mình chưa hiểu rồi tìm kiếm định nghĩa và cách sử dụng của những kiến thức mới này trên các từ điển uy tín như Oxford Learner’s Dictionary, Cambridge Dictionary hay Macmillan Dictionary.

Nếu thấy bài có vẻ nặng, em cũng có thể chia ra nghe 1/3 hay 1/2 nội dung một lúc. Trở lại với việc luyện tốc độ, khi gặp những từ đa âm tiết hay những câu phức tạp, em thậm chí có thể điều chỉnh tốc độ còn 75% để nghe thật rõ từng âm tiết, từng thành phần rồi từ từ điều chỉnh tốc độ nhanh hơn như em đã nêu.

Đây mới đúng là cách luyện tốc độ chính xác (à, nhớ là điều chỉnh nhanh vừa phải thôi em nhé)! Ngoài ra em cũng có thể dần tập thói quen luyện như không luyện với việc nghe các audio books (sách nói), các kênh tin tức và khoa học trên youtube và các podcasts.

Các điều trên sẽ giúp em có định hướng tốt hơn trong việc học. Các nhà nghiên cứu đến đã kết luận rằng, việc xác định mục tiêu rõ ràng, và có ý thức về sự tiến bộ và quá trình học của bản thân (gọi chung rất nguy hiểm là metacognition hay siêu tri nhận nhưng cơ bản là thế thôi) sẽ giúp người học giảm được sự lo lắng (anxiety) khi học và thi phần listening.

Ngoài ra, việc có quyết tâm cao độ cũng làm tăng năng suất học listening (dẫn nguồn). Thế nên, trước khi bắt tay vào học, em nên vạch lộ trình học dài hạn hợp lí cho bản thân, có cả những buổi ôn tập định kì các kiến thức đã học được. Một số giải pháp tương tự là đăng kí học tại những trung tâm luyện thi uy tín hay chọn một giáo trình đã được kiểm chứng.

Đối với thi IELTS nói riêng, em cũng phải nắm được các dạng bài được liệt kê ở link sau: https://www.ielts.org/for-test-takers/test-format. Cho nên song song với việc học ngôn ngữ, em cũng phải các kỹ năng làm bài như nghe từ khóa và ghi chú chẳng hạn. Chúc em học tốt nhé!

From Vietop with love,

Dr. IETLS

Bình luận

Bình luận


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.