Phòng Khám IELTS

Giải đáp hết mọi thắc mắc "Tại sao"
trong quá trình học IELTS.

Học IELTS đã nhiều năm nhưng vẫn bị tình trạng “nước đổ đầu vịt”

10 tháng 09, 2021

Bác sĩ ơi, sao em học IELTS đã nhiều năm nhưng vẫn bị tình trạng “nước đổ đầu vịt”. Có hôm em cày từ vựng cả ngày chép một từ 50-100 lần mà hôm sau em lại như tờ giấy trắng. Em rất lo lắng...

Chào em, 

Theo kinh nghiệm của bác sĩ thì đây là một bệnh khá thường gặp của học sinh khi tự học tiếng Anh ở nhà. Có nhiều bạn có quan niệm rằng học kiểu “chép phạt” hay “tụng kinh” sẽ gia tăng thời lượng tiếp xúc với tiếng Anh và việc đi lặp lại một từ sẽ giúp nhớ từ được lâu hơn. Tuy nhiên, cách học này chưa thực sự khoa học. 

Thứ nhất, các phương pháp này mang tính lặp đi lặp lại liên miên, nghĩa là, trong 50 đến 100 lần lặp lại đó mọi thứ đều diễn ra hoàn toàn giống nhau. Thế nên, sau khi viết một từ được vài lần, cơ thể của chúng ta đã có được quán tính của việc lặp đi lặp lại này và những từ sau đó sẽ chịu ảnh hưởng của trí nhớ cơ bắp (muscle memory) hơn là trí nhớ não bộ. 

Thứ hai, xét về việc nhớ lâu thì chúng ta phải cân nhắc hai loại đó là trí nhớ tạm thời (short-term memory) và trí nhớ vĩnh viễn (long-term memory). Trong một quãng thời gian ngắn, chúng ta có thể hiểu nghĩa và sử dụng một từ nhưng không có nghĩa ta sẽ nhớ nó về lâu dài.

Từ năm 1885, nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus đã đúc kết được khái niệm “đường cong của sự quên lãng” đã và đang là nỗi khiếp sợ của người học ngôn ngữ trên toàn thế giới. Ebbinghaus chỉ ra rằng, nếu chỉ học một từ một lần thì qua 20 phút tỉ lệ nhớ của từ đó chỉ còn 58%, sau một ngày còn khoảng 33%.

Sau bảy ngày, con số trên giảm còn 24% và một tháng chỉ ở mức 21%. Do chưa biết về hiện tượng này, nhiều bạn có khả năng tiếp thu ngôn ngữ nhanh đã chủ quan không ôn luyện những từ đã học từ trước và chọn cách học dùng số lượng đè chất lượng. Thế nhưng, sau một thời gian thì chắc chắn lối học này không hiệu quả, người học sẽ dễ nảy sinh nghi ngờ về khả năng bản thân và có tâm lý chán học, sợ học.

Đúng là khi học ngôn ngữ, ta cần phải số sự lặp đi lặp tại (repetition). Theo giáo sư Ngôn Ngữ Paul Nation, khi học một từ ta cần “gặp” nó ịt nhất 7-8 lần. Nhưng điều này không có nghĩa là người học chỉ cần viết một từ lên giấy 8 lần rồi lặp lại với từ khác. Cũng theo giáo sư Nation, việc nhớ có hiệu quả hay không dựa vào “đô mạnh” của mối dây liên kết của từ và nghĩa trong não. Khi lần đầu ta gặp một từ mới, ta có thể tra nghĩa của nó.

Đây là lần đầu tiên mối dây liên kết được hình thành, sau đó mỗi lần gặp lại từ này trong những tình huống và ngữ cảnh khác nhau, mối dây này lại được củng cố thêm và chúng ta sẽ càng hiểu từ đó một cách sâu sắc hơn. Theo bác sĩ, khi học bất cứ kỹ năng nào của tiếng Anh ta nên áp dụng việc lặp lại có kế hoạch (spaced learning). 

Vậy làm sao để spaced learning cho hiệu quả? 

1. Đọc rộng hiểu nhiều (extensive reading)

Đọc rộng ở đây là tăng thời lượng đọc để ta có thể “gặp đi gặp lại” từ cần học nhiều hơn. Theo giáo sư Paul Nation, người học nên chọn các quyển sách được viết theo trình độ người đọc để mật độ từ mới không quá 2 từ/ 100 từ đọc được. Thú vị hơn, việc hiểu đc 98% ngữ cảnh cũng giúp ta đoán được nghĩa của hai từ mới mà không nhất thiết phải sử dụng từ điển. Một ví dụ về các sách được viết theo trình độ người đọc là: tủ sách Happy Readers của Nhà Xuất Bản Trẻ và First News, Oxford Bookworm và English Graded Readers của Pearson.

2. Đọc chủ động (active reading)

Đây là kỹ năng vô cùng cần thiết với các sĩ tử đang vật lộn phải phần reading của IELTS với vô vàn từ khó. Khi luyện tập đọc chủ động, em nên lên kế hoạch thời gian rõ ràng từ 45’ đến 1 tiếng để học lần một và khoảng 30 phút để ôn lại vào ban đêm. Khi học ban ngày, em nên chọn lấy văn bản tiếng Anh như bài báo, blog, hoặc bài đọc ielts. Nếu bài quá dài, em có thể đọc theo đoạn khoảng 300-500 từ tùy khả năng. Khi đọc lần một, em đọc nhanh để lấy ý và ghi chú lại những từ quan trọng mà em chưa hiểu nghĩa. Sau đó, em nên dành thời gian để tra nghĩa từ đó rồi đọc lại các câu có chứa những từ hay cụm từ em đã tra. Và cuối cùng, đọc lại đoạn văn một lần nữa và so sánh mình đã hiểu hơn so với ban đầu chưa. Sau đó, em nên đi thư giãn hoặc làm công việc khác để não có thời gian ngấm kiến thức mới.

Vào buổi tối, em lấy văn bản đã học ra đọc kỹ một lần nữa, từ nào quên hay chưa nhớ kỹ em nhìn lại vào ghi chú buổi sáng của mình. Đây là việc làm giúp ta làm mối dây liên kết giữa nghĩa và từ mạnh hơn. 

3. Áp dụng 

Mỗi người học nên có một quyển sổ tay hoặc file excel để ta có thể thống kê được và kiểm soát được từ mới ta học được trong một ngày. Sau một tuần, em có thể kiểm tra lại những từ mình vừa học trong tuần sau đó ta có thể tự áp dụng vào đời sống, hoặc chọn những câu hỏi trong IELTS Speaking (chèn link tổng hợp đề thi thật speaking) để tự trả lời có các từ mới đã học được . Đối với writing, bác sĩ rất thích các bài tập viết sáng tạo như kể lại tuần vừa rồi của bản thân, viết nhật ký hay làm thơ. 

Sĩ tử nào có thắc mắc về việc học IELTS hãy gửi câu hỏi cho Dr. IELTS tại  bacsi@vietop.edu.vn nhé!

Bình luận

Bình luận